
Cẩm Mỹ là một xã thuộc huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Xã Cẩm Mỹ có diện tích 161,4 km², dân số năm 2009 là 6222 người, mật độ dân số đạt 39 người/km².
Năm 1831, tỉnh Hà Tĩnh có 2 phủ, 6 huyện, gồm: Hương Sơn, Là Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân thuộc phủ Đức Thọ; huyện Thạch Hà, Kỳ Hoa thuộc phủ Hà Hoa. Huyện Cẩm Xuyên trước đây thuộc phủ Hà Hoa, đời nhà Minh có tên là huyện Kỳ La, năm Minh Mạng thứ 17 (1836) huyện có tên là Hoa Xuyên, gồm 4 tổng: Mỹ Duệ, Vân Tán, Thổ Ngọa và Lạc Xuyên; năm 1841 đổi tên là Cẩm Xuyên. Năm 1858, khi Thực dân Pháp xâm lược nước ta, huyện Cẩm Xuyên thuộc Phủ Hà Thanh gồm các huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh. Đến năm 1917 phủ Hà Thanh có tên gọi là phủ Thạch Hà.
Mỹ Duệ là một tổng lớn của huyện, có các xã: Mỹ Duệ ( nay là xã Cẩm Mỹ và Cẩm Duệ),Tam Lộng (nay là xã Cẩm Quan), Phương Cần (Cẩm Thành), Vịnh Lại (Cẩm Vịnh), Đại Tăng (Cẩm Thạch), Bộc Nguyên (Cẩm Thạch), Xuân Lâu (Cẩm Thạch), Như Xuân (nay thuộc Cẩm Mỹ), A Bì (1). Mỹ Duệ là một xã lớn nên Tổng cũng lấy tên là Tổng Mỹ Duệ.
Xã Mỹ Duệ ngày trước có 3 làng: Quy Vinh, Triều Thượng, Phương Phong. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thành lập thêm làng Thượng Mỹ. Làng này gồm các điếm: Thượng Đoạn, Trung Đoạn, Duệ Đoài, Bàu Mè, Bến Chuối, Kẻ Gỗ, Cồn Mối. Sau khi thành lập tên các điếm được đổi thành các xóm: Đô Đốc Tào, ( Thượng Đoạn), Phan Bội Châu ( Trung Đoạn và Duệ Đoài), Quốc Tuấn ( Bàu Mè), Hồng Thái ( Bến Chuối), Đội Cung (Kẻ Gỗ và Cồn Mối). Xã Mỹ Duệ đặt dưới sự chỉ đạo chung củ Chi bộ ghép Triều Thượng và Quy Vinh, chi bộ được thành lập cuối tháng 6 năm 1930. Tháng 12 năm 1954 dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, xã Mỹ Duệ được tách ra làm 2 xã Cẩm Mỹ và Cẩm Duệ, dưới sự lãnh đạo của hai chi bộ: Chi bộ xã Cẩm Mỹ và Chi bộ xã Cẩm Duệ.
Cẩm Mỹ là một xã nằm ở phía Tây huyện Cẩm Xuyên. Về vị trí, xã Cẩm Mỹ phía Bắc và Đông Bắc tiếp giáp với xã Cẩm Thạch và xã Cẩm Duệ, phía Đông và phía Đông Nam giáp với xã Cẩm Duệ và Cẩm Quan, phía Nam giáp với xã Cẩm Thịnh và huyện Kỳ Anh, phía Tây Nam giáp với tỉnh Quảng Bình và huyện Hương Khê. Tổng diện tích tự nhiên hơn 16.160 ha, phần lớn diện tích là đồi núi, ao hồ, diện tích canh tác chỉ có 528 ha. Toàn xã có 1.423 hộ với 6.270 nhân khẩu được phân bố thành 12 cụm dân cư theo đơn vị thôn, từ thôn 1 đến thôn 12. Nghề nghiệp chính là sản xuất nông nghiệp, chiếm hơn 95% lao động.
Là một xã miền núi có nhiều khe suối. Một số khe suối bắt nguồn từ các dẫy núi của tỉnh Quảng Bình đổ ra Rào Cái, rồi hợp vào Rào Môn, Rào Cời, Rào Len, Rào Bưởi (1) thành con sông Ngàn Mọ. Sông Ngàn Mọ chảy theo hướng Nam – Bắc, về đến ngã ba Mọ (xã Cẩm Duệ) phân thành hai nhánh: một nhánh chảy hướng Bắc, phân chia ranh giới xã Cẩm Thành, Cẩm Vịnh ở hướng Đông và Cẩm Thạch, Cẩm Lâm ở hướng Tây. Nhánh này tiếp tục chảy lên Thạch Tân về Đại Nài, đi tiếp qua Tượng Sơn, Đồng Môn, Hộ Độ rồi đổ ra cửa Sót. Nhánh còn lại chảy hướng Đông qua xã Cẩm Quan, Thị trấn Cẩm Xuyên, đi tiếp qua Cẩm Thăng, Cẩm Phúc, Thị trấn Thiên Cầm, hội tụ về Sông Rác đổ ra Cửa Nhượng.
Sông Ngàn Mọ chạy dọc theo chiều dài xã Cẩm Mỹ, phân bổ xã làm hai nửa: Bắc Mỹ và Nam Mỹ (2). Với dòng chảy như vậy nên trước năm 1976 (3) con sông là nơi thuyền bè buôn bán qua lại nhộn nhịp: thuyền chở các sản phẩm miền núi như gỗ, củi, chè… về xuôi, chở các sản phẩm miền xuôi như muối, cá, mắm, hàng hóa tiêu dùng lên miền ngược. Trong chiến tranh chở lương thực, thực phẩm cho các đơn vị đóng quân trên địa bàn. Mỗi mùa mưa lũ, con sông chở đầy phù sa bồi đắp cho các bãi bồi ven sông, tạo nhiều cánh đồng trồng ngô, trồng khoai xanh tốt và những vùng cát sỏi là nguồn tài nguyên để phục vụ xây dựng các công trình.
Tuy nhiên con sông cũng tạo nên những trận lũ kinh hoàng cuốn theo nhà cửa, cây trồng vật nuôi củ người dân địa phương.
Cả 3 phía của xã Cẩm Mỹ đều là rừng núi: phía Đông và phía Nam bắt nguồn từ dẫy núi Đá Rương (tên cũ gọi là Động Đà Phương) qua Động Thờ, Cộ Xôi, rồi lên Động Đót; phía Tây từ các dẫy Cời, Le Bưởi, U Voi, Đỉnh Chủa Trơng (nay thuộc phía bên kia Hồ Kẻ Gỗ); phía Tây và Tây Bắc còn có các dẫy núi thấp chạy từ vùng Đá Bạc ra đến xã Thạch Điền huyện Thạch Hà. Hiện nay nhiều dãy đã bị ngập nước, còn lại dãy cao cùng với con đập Kẻ Gỗ tạo thành khu vực lòng hồ. Núi rừng xã Cẩm Mỹ ngày trước có nhiều cây gỗ quý như: lim, chò, sến, dổi…và nhiều động vật hoang dã quý hiếm như: hổ, voi, gấu, tê giác. Năm 1988 người dân đã phát hiện vùng Khe Đẻn tại ngọn Rào Cời và khu vực Khe Mây ở thôn 5 có vàng, rất nhiều người dân các tỉnh, huyện, xã khác và nhân dân trong xã đến đây khai thác. Đặc biệt, tại khu vực lòng hồ Kẻ Gỗ năm 1995, giáo sư Võ Quý đã tìm ra loại Gà Lôi lam đuôi trắng ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, cùng với con Sao la ở huyện Vũ Quang đã góp phần làm cho tỉnh Hà Tĩnh phong phú với các loại động vật cực kỳ quý hiếm. Hồ Kẻ Gỗ có gần 12 ha rừng tự nhiên. Rừng Kẻ Gỗ có 4 tầng chính, tầng cao như: lim, trín, hoàn linh; tầng cây vừa như: gọ, trường, dẻ; tầng cây nhỏ như: máu chó, ngà tre, gừng...; tầng thảm tươi như: lá nón, sa nhân và một tầng phụ như song, mây…theo khảo sát ở đây có 40 họ và 300 loài cây thân gỗ. Ngày trước, nhiều người dân khai thác các nguồn lợi tự nhiên từ rừng, như khai thác gỗ, củi, săn bắn thú rừng, mật ong…Rừng còn là nơi che chở các đoàn quân di chuyển và chiến trường miền Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh; rừng che dấu sân bay dã chiến(1). Đường 22 bắt nguồn từ ngã ba Thình Thình chạy qua các dẫy núi phía Tây xã Cẩm Mỹ, nối với nhánh mòn của Hồ Chí Minh để đi vào tỉnh Quảng Bình, nay phần lớn con đường đã ngập nước lòng hồ. Ngày nay dãy núi tạo ra thế mạnh để phát triển kinh tế trang trại, trồng rừng và phát triển chăn nuôi.
Xã có hồ Kẻ Gỗ thu hút hàng ngàn lượt tham quan của du khách mỗi năm. Du lịch Kẻ Gỗ mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ khi hòa mình vào thiên nhiên tươi mát, yên bình trong khi chiêm ngưỡng khung cảnh non nước hữu tình của vùng rừng núi Hà Tĩnh. Vào những ngày lễ Tết hay dịp cuối tuần, du khách đến đây thưởng ngoạn rất đông. Bạn có thể chọn đi thuyền mộc khám phá lòng hồ tuyệt đẹp, với mặt hồ phẳng lặng, nước trong xanh. Bên cạnh việc tham quan đi thuyền trên hồ thì du khách không thể bỏ lỡ cơ hội check-in cầu vượt.


Về giao thông: xã Cẩm Mỹ có hai đường nhựa chạy qua, là đường tỉnh lộ 17 nối liền Kẻ Gỗ - Thành phố Hà Tĩnh và tuyến quốc lộ 8c nối Kẻ Gỗ - Thiên Cầm. Trước năm 1975, con sông Ngàn Mọ là trục giao thông đường thủy, sau khi xây dựng đập Kẻ Gỗ, các con kênh dẫn nước trở thành các trục đường giao thông nối Cẩm Mỹ với các xã miền xuôi.
Các hình thức sinh hoạt văn hoá văn nghệ dân gian xưa của người dân nơi đây khá đa dạng. Các hình thức vui chơi, giải trí như hát ví, hát phường vải, hát dặm, đối đáp, chơi cờ thẻ, cờ người, bơi thuyền, thả diều sáo... thường được tổ chức vào các ngày tế lễ trong năm, hết sức đông vui, nhộn nhịp. Đặc biệt, hoạt động biểu diễn của Câu lạc bộ Dân ca Ví, Dặm luôn thu hút đông đảo sự tham gia, hưởng ứng của bà con nhân dân.

Về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao: tiếp tục được cả hệ thống chính trị từ xã đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, tập trung thực hiện, đạt nhiều kết quả quan trọng: Trong năm 2024, công nhận thêm 1 thôn Mỹ Lâm đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu, nâng tổng khu dân cư kiểu mẫu lên 06 khu (Mỹ Hà, Mỹ Phú, Mỹ Đông, Quốc Tuấn, Mỹ Trung, Mỹ Lâm). Thực hiện các tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao đến nay cơ bản hoàn thành. Phong trào xây dựng khu dân cư mẫu, vườn mẫu được cán bộ, Đảng viên và Nhân dân tại các thôn hưởng ứng. Đến nay, trên địa bàn xã có 02 sản phẩn được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao của cơ sở sản xuất rượu Đạt Thơm.

Công tác giáo dục: Chất lượng giáo dục ở các nhà trường tiếp tục được giữ vững, cơ sở vật chất được đầu tư đầy đủ đảm bảo cho công tác dạy và học. Trường Mầm non Cẩm Mỹ: Đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1; Trường Tiểu học Cẩm Mỹ: Đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2. Duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi: 96/96 trẻ mẫu giáo được đi học, đạt tỷ lệ 100%. Duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học: Mức độ 3. Đạt xóa mù chữ mức độ 2. Cộng đồng học tập cấp xã được đánh giá, xếp loại: Tốt. Có mô hình giáo dục thể chất, câu lạc bộ bóng đá trường tiểu học hoạt động tốt. Công tác khuyến học, khuyến tài luôn được quan tâm động viên kịp thời.
Công tác khuyến học, khuyến tài được cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân quan tâm. Trong năm hội khuyến học xã đã cấp 33 xuất quà học sinh học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn. 8/8 thôn có quỹ khuyến học đồng thời các giòng họ có quỹ khuyến học riêng.

Công tác y tế: Tổng số CBNV: 8 người (trong đó Bác sỹ: 2, Nữ hộ sinh Cao đẳng: 1, Cử nhân: 1, Điều dưỡng Cao đẳng: 3, Dược sỹ CĐ: 1). Công tác y tế chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng ngày càng được nâng cao, trang thiết bị của trạm y tế xã từng bước được đầu tư chất lượng khám chữa bệnh đạt kết quả tốt.
Toàn xã Cẩm Mỹ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong điều kiện có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít những khó khăn. Tuy vậy dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, giám sát của HĐND, sự phối hợp của UBMTTQ các ban ngành đoàn thể, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, UBND xã đã chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện các nhiệm vụ đạt được các kết quả quan trọng, kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nhất là sản xuất lúa và các loại cây trồng đạt năng suất cao; các mô hình phát triển kinh tế được đầu tư phát triển; xây dựng nông thôn mới nâng cao được tập trung cao độ. Xây dựng thành công xã Nông thôn mới nâng cao. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển, phong trào VHVN- TDTT được nhân rộng, tổ chức thành công kỷ niệm 70 năm thành lập xã. Làm tốt công tác vận động nhân dân giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn. Quốc phòng, An ninh được giữ vững; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng lên.